Saturday, 20/04/2024 - 05:07|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Ba Trinh

Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa một số Thành ngữ, Tục ngữ Việt Nam. Phần 1.



Trích từ sách "Tiếng Việt lí thú", tác giả: Trịnh Mạnh, NXB Giáo dục

School@net: nhân dịp năm mới Nhâm Thìn 2012, chúng tôi xin trích đoạn từ cuốn sách "Tiếng Việt lí thú" của tác giả Trịnh Mạnh, NXBGD phát hành. Các bài viết giới thiệu nguồn gốc và ý nghĩa của một số thành ngữ, tục ngữ Việt Nam rất phù hợp cho các bạn học sinh đang học trên ghế nhà trường từ Tiểu học đến THCS, THPT. Những bài viết này còn thú vị chi cả giáo viên đang dạy môn Tiếng Việt hoặc Ngữ văn các cấp tương ứng.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Phần 1 bao gồm các thành ngữ tục ngữ với vần A.

Ăn như phát tấu

Tấu là loại dao to bản, có cán dài, khoảng một mét, dùng để phát bờ rào. Dùng tấu để phát bờ rào thì nhanh, thẳng đều và có tiếng xoàn xoạt. Người nào ăn nhanh được gán cho thành ngữ này. (Tấu còn là một loạivũ khí dùng cho kị binh xưa. Loại này có cán dài bằng tầm cao của ngựa để vừa cưỡi ngựa vừa chiến đấu, ta gọi là mã tấu).

Ăn như mỏ khoét

Câu này thường dùng để chê người hay ăn quà vặt, ăn luôn mồm. Nhưng mỏ khoét là gì ? Có sách giải thích mỏ khoét (mỏ nhác) là cái mỏ khoan, khoét gỗ lem lém. Có người lại giải thích mỏ khoét là một loại chim, chuyên tìm các trái chin như ổi, chuối để khoét.

Ăn như hùm đổ đó

Hùm (hổ) là một giống vật rất khôn. Khi không kiếm được mồi, hùm thường mò đến chỗ nước chảy, ở đây người dân thường dùng đó để đơm cá. Khi tìm thấy đó cá, hùm không bắt riêng từng con để ăn mà dốc ngược đó để trút toàn bộ cá vào miệng.

Nếu người nào, không gắp từng miếng mà bưng cả bát trút vào miệng thì nhân dân ta thường dùng thành ngữ này để ám chỉ. Hiểu rộng ra, thành ngữ này dùng để chỉ cách ăn uống thô tục, thiếu văn hóa.

Ăn quà như lái quét

Lái quét là người chuyên quét rác ở chợ. Trước buổi họp chợ và sau khi tan chợ, người lái phải quét để khu chợ được phong quang, sạch đẹp. Các người bán hàng ở chợ, sau mỗi buổi chợ, thường cho lái vài đồng tiền. Vì vậy, lái quét có rất nhiều loại quà : bánh đa, bánh đúc, bánh rán, hoa quả…ăn luôn miệng không hết. Ngày nay, những ai hay ăn quà vặt, ăn luôn miệng thường được gán bằng thành ngữ này.

Ăn vóc học hay

Thành ngữ này được dùng với nghĩa : ăn thì bồi bổ cho thân thể, học thì bồi bổ cho trí tuệ.

Vóc là từ cổ, nay còn dùng trong các từ tầm vóc, sức vóc, vóc ngọc mình vàng. Nếu hiểu vóc là danh từ thì không đối xứng với hay là tính từ. Từ điển Khai trí tiến đức giải nghĩa vóc là lớn người (ăn thì lớn người, học thì hay thêm). Trong thành ngữ này, hiểu vóc là lớn thì hợp lí hơn.

Ăn xổi ở thì

Thành ngữ này có nghĩa là cách sống tạm bợ. Xổi (tiếng cổ) là vội vàng, tạm bợ. Từ xổi còn dùng trong các từ dưa muối xổi, cà muối xổi (muối để mau chua, chóng được ăn). Thì là lúc, chốc lát, còn dùng trong các từ thì giờ, mưa nắng phải thì. Nhân dân ta vốn trọng cách sống lâu bền, thủy chung “một đêm nằm, một năm ở” nên rất ghét cách sống này.

Ăn mày đánh đổ cầu ao

Câu này ý nói đã nghèo khổ lại gặp tai nạn, gần nghĩa với câu “chó cắn áo rách”. Ăn xin được một ít gạo, lúc ra vo gạo ở cầu ao lại vô ý đánh đổ xuống nước, mất hết vì không nhặt được.

Đay là cách nói hình tượng ta thường gặp trong thành ngữ.

Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ

Đây là một câu tục ngữ lưu truyền ở miền Nam. Anh chàng thanh niên được ngồi ăn cơm ở nhà bố mẹ vợ tương lai. Anh bị dồn vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ăn như thế nào mới được chọn làm chàng rể. Có người giải thích : “Ăn hết nghĩa là món ăn nào cũng phải chạm đũa một chút để tỏ vẻ lịch sự, có ý tứ (không phải là ăn hết nhẵn)”. Ăn còn nghĩa là khi gắp, không nên gắp ở giữa đĩa làm cho thức ăn còn lại tóe loe ra xung quanh.

Cách ăn như vậy là “phàm phu tục tử”, không thể làm con rể được.

Câu này có nghĩa bóng là : cái cảnh đi hỏi vợ cục trăm bề, vô ý một chút là bị loại khỏi cuộc đua. Đây là cách giải thích do anh Nguyễn Đức Dân sưu tầm, chưa dám khẳng định vì còn có cách hiểu khác.

Ông Lê Đức Ngưỡng (Thừa Thiên - Huê) lại giải thích câu trên theo một cách khác. Ông dựa vào câu tục ngữ ở quê mình “Ăn thì ăn cho hết, để thì để cho còn, căn không hết, để không còn thì con không gả”

Theo phép lịch sự, không ai muốn ăn đồ thừa của người khác. Vì vậy, nên ăn hết một vài món và để nguyên một vài món (tức là không chạm đũa vào). Như thế hiểu là ăn thì ăn hết, phần để lại thì còn nguyên để có thể dọn cho người khác ăn được.

Không ăn hết cũng chẳng ăn còn (thừa) thì bố mẹ cô gái không thể bắt bẻ được.

Về vấn đề xem chàng rể ăn uống ra sao, chuyện xưa cũng có ghi lại mẩu chuyện lí thú dưới đây :

Tiến sĩ Nguyễn Ân Chiêm cáo hưu, về làng, mở trường dạy học (ở làng Châu Bối, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ông có ba cô gái và có ý định chấm ba chàng rể trong số môn sinh. Hôm đó, ông mời ba chàng tới nhà ăn cơm. (Theo tục xưa, môn sinh không được ngồi ăn cơm cùng mâm với thầy). Mâm cơm chỉ có ba chén nước mắm và ba quả trứng luộc, mỗi người một quả. Trong khi ăn, bà nghè và ba cô gái đứng ở trong buồng quan sát.

Anh khóa làng Ngọc Quang (Nguyễn Đức Hoành) dầm nhỏ quả trứng để ăn dần. Anh khóa làng Phong Cốc (Đỗ Huy Kì) chia quả trứng làm ba, mỗi phần ăn với một bát cơm. Anh khóa làng Vàng (Hà Tông Huân) chỉ lốm một miếng hết quả trứng rồi ăn cơm với nước mắm.

Hôm sau, ông nghè gọi ba cô gái tới và cho phép chọn. Bà nghè có ý chê anh khóa làng Vàng. Nhưng ông nghè nói : “Nó ăn to nói lớn, ăn như vậy thì về sau nó làm được việc lớn đấy”.

Ông nghè nói với ba con gái : “Đứa nào thích thứ gì thì nói”. Cốc là lúa chỉ anh khóa Phong Cốc, Vàng chỉ anh khóa làng Vàng, Ngọc chỉ anh khóa Ngọc Quang.

Cô cả vội thưa : “Lúa nuôi sống người đời, làm ra cỗ để cúng tổ tiên, nên con thích lúa”. Thế là cô được gả cho Đỗ Huy Kì (sau đỗ Thám Hoa).

Cô thứ hai thưa : “Vàng có thể tiêu được còn ngọc chỉ để trang sức”. Cô được gả cho Hà Tông Huân (Đỗ Bảng nhãn năm 1724, đã từng làm Thượng thư bộ binh và Tế Sửu (Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám). Cô thứ ba được gả cho Nguyễn Đức Hoành (đỗ tiến sĩ cùng khoa với Hà Tông Huân (1724) làm đến chức Đô Ngự sử).

Chuyện vui xưa cũng kể lại câu chuyện kén rể bằng cách mời ăn. Một ông đồ có cô con gái đẹp. Trong vùng có ba anh chàng ngấp nghé xin làm rể. Một hôm tết, ba anh đến chúc thọ. Ông đồ cho dọn mâm cỗ ra, có đủ các món mặn và bánh trái. Ông nói : “Mỗi anh chỉ được ăn một miếng trong mâm cỗ. Ai biết cách ăn thì ta nhận làm rể”.

Chỉ được ăn một miếng thì biết ăn miếng gì đây ? Ba anh suy nghĩ và thực hành mỗi anh một cách. Có anh gắp một miếng thịt mỡ chấm vào bát mật rùi ăn. Cách ăn lạ lùng đó lại thành công. Anh được ông đồ nhận làm chàng rể. Tại soa vậy ? Vì anh là người hiểu biết, rất thuộc tục ngữ : “Đẹp thì vàng son, ngon thì mật mỡ”.

school@net

Lượt xem: 1.054
Nguồn:c2batrinh.vietschool.vn Copy link
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Hôm qua : 5
Tháng 04 : 72
Năm 2024 : 1.757